TT – Yến – loài chim vốn sống ở vách đá cheo leo dọc các tỉnh miền biển, nay được nhiều người dân ở Tây nguyên đua nhau nuôi, trong đó nhiều hộ đã thành công bước đầu.
Ông Nguyễn Văn Xuân – chủ ba cơ sở nuôi chim yến Mười Xuân có quy mô nhất ở thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) – cầm chiếc đèn pin đứng quan sát bầy yến chao lượn chuẩn bị vào tổ.
Căn nhà hình chữ nhật, được xây kín bằng gạch và những hệ thống phun sương, hệ thống tạo gió, tạo độ ẩm chỉ trong vài phút yến bỗng bay kín như ong.
Ba năm từ ngày ông và mấy đứa con ngồi ở vị trí cao nhất thị xã bắc loa dụ yến từ biển bay lên, đến nay đàn yến của ông đã lên tới 7.000-8.000 con.
Vùng yến giữa cao nguyên
Ở thị xã Ayun Pa, nơi được coi là chảo lửa của vùng Tây nguyên, 3-4 năm trở lại đây người dân đã quen với hình ảnh từng đàn yến bay về các chuồng nuôi vào cuối ngày, chao lượn rợp trời và kêu râm ran.
Ông Toàn – chủ cơ sở yến sào Toàn Lan (phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa), một trong những người đầu tiên đưa loài chim biển này về nuôi vào năm 2010 – dẫn chúng tôi ra khu chuồng nuôi yến được đúc kiên cố bằng bêtông cho biết: “Đến nay toàn bộ yến của gia đình tôi đã hơn 1.000 cặp. Thu nhập chưa lớn nhưng nghề này tương đối nhàn, cũng khá lạ nên ít người tin ở vùng này nuôi được”.
Nhiều năm làm kinh doanh buôn bán, tình cờ một lần vào TP.HCM ông được một người bạn dẫn đến thăm cơ sở nuôi yến. Nhìn người bạn suốt ngày bận bịu với đàn yến, cứ cuối ngày yến lại bay về quanh nhà rợp trời nên ông Toàn bắt đầu nghĩ đến việc đưa loài chim này lên Tây nguyên.
Năm 2010, ông Toàn bắt đầu thực hiện kế hoạch nuôi yến tại thị xã Ayun Pa. Được sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của nhiều người, ông xây một dãy nhà bằng bêtông, hệ thống phun sương tạo độ ẩm rồi bắt đầu mang loa phát tiếng kêu của chim yến đi khắp thung lũng Ayun Pa để “gọi” yến về.
Theo ông Toàn, chỉ sau khoảng vài tuần hàng chục cặp yến bắt đầu bay về chuồng được ông xây sẵn để thăm dò. Một cặp vào làm tổ kéo theo những cặp khác, đến nay cơ sở của gia đình ông có hơn 1.000 cặp.
Câu chuyện chủ cơ sở Toàn Lan đưa yến về thung lũng thành công đã lôi kéo những ý tưởng làm ăn táo bạo của nhiều người dân khác trên Tây nguyên. Đến nay chỉ riêng ở thị xã Ayun Pa đã có hơn chục hộ xây chuồng, lập cơ sở nuôi loài chim giàu giá trị kinh tế này.
Ông Trần Văn Giáo – chủ một khách sạn lớn trên đường Lê Hồng Phong và là người nuôi chim yến có quy mô lớn ở thị xã Ayun Pa – cho biết gia đình ông đã bắt đầu nuôi yến sào hơn một năm nay.
“Thấy nhiều người trong thị xã nuôi thành công nên tôi cũng xây chuồng, đầu tư máy móc về làm thử. Đến nay đàn yến của tôi đã lên hơn 4.000 con. Yến làm tổ và sinh sản rất nhiều nhưng gia đình tôi chưa thu hoạch mà tiếp tục nhân giống, xây thêm một cơ sở mới để mở rộng quy mô” – ông Giáo nói.
Tốn kém, công phu
Tây nguyên vốn nổi tiếng với những đặc sản của núi rừng nhưng giờ đây ở nhiều vùng như Ayun Pa (Gia Lai), TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum), Đắk Lắk…, người dân cũng đem bán một mặt hàng vốn thuộc về vùng ven biển: yến sào.
Nhiều người nuôi yến tại Tây nguyên khẳng định: yến có thể sống và sinh sản rất tốt ở vùng đất này. “Môi trường ở Tây nguyên trong lành, nhiều thức ăn nên chúng tôi đoán nguồn yến không chỉ từ các tỉnh ven biển bay lên mà thậm chí tận cả… Malaysia di tản qua” – ông Trần Văn Giáo nói.
Yến là loài chim có giá trị kinh tế rất cao, nếu nuôi thành công nông dân mỗi năm có thể thu về hàng trăm triệu đồng nhưng việc dụ yến về tổ không hề đơn giản. Chủ các cơ sở yến sào tại Gia Lai, Kon Tum khẳng định: muốn nuôi được yến trước hết phải… có tiền! Sau nữa là người nuôi phải chịu khó tìm hiểu, học hỏi để giữ yến ở lại.
Ông Nguyễn Văn Xuân dẫn chúng tôi ra khu chuồng trại của mình trong khuôn viên gia đình. Khu vườn rộng rãi vừa là nơi ở của đại gia đình vừa là cơ sở kinh doanh nước uống nhưng phần lớn diện tích được ông Xuân dành riêng cho yến.
“Tôi phải đầu tư mấy sào đất, trồng đủ thứ cây xung quanh tạo môi trường sạch sẽ, yên tĩnh dành riêng cho đàn yến. Ngoại trừ vợ chồng và người nhà, tôi không bao giờ cho ai đến khu vực này vì sợ ồn ào, ảnh hưởng đến… giấc ngủ của yến” – ông Xuân nói.
Dãy nhà làm nơi ở của yến được ông rào bằng ba lớp cửa, giữa mùa nắng bỏng rát của chảo lửa Tây nguyên nhưng bước vào phía trong khu chuồng vẫn có cảm giác mát rượi. Những chiếc máy tạo nhiệt độ, máy phun sương, hệ thống đo nhiệt độ tự động và thứ âm thanh đặc trưng của loài yến vẫn phát ra đều đều để “ru” yến ngủ.
Bà Nguyễn Thị Lợi, vợ ông Xuân, kể lúc đầu mỗi ngày vợ chồng bà ra thăm chuồng thấy yến vào làm tổ rồi đẻ trứng mà mừng không tả nổi. Tuy nhiên, vài ngày sau khi ra kiểm tra thì toàn bộ tổ đã biến mất.
“Cả đêm chúng tôi phải đứng ở dưới soi đèn quanh chuồng để xem chuyện gì đã xảy ra. Hóa ra chuồng không có lưới cách điện ở cửa ra vào nên tắc kè chui qua khe hở vào ăn sạch tổ yến. Vợ chồng tôi phải nghĩ ra bộ bẫy điện đặt trước chuồng, từ đó tắc kè không dám vào nữa” – bà Lợi nói.
Theo bà Lợi, mỗi chuồng yến phải đầu tư số tiền không dưới 1 tỉ đồng, nông dân bình thường không phải ai cũng dám bỏ ra khoản tiền lớn như vậy để theo đuổi một ý tưởng quá mạo hiểm. “Chúng tôi vừa làm vừa đi khắp nơi tìm hiểu, rút kinh nghiệm nên mới được như bây giờ. Mọi thứ không đơn giản chút nào” – bà Lợi nói.
Thành công nhờ nắm bắt kỹ thuật
Ông Nguyễn Văn Xuân, chủ ba cơ sở nuôi chim yến Mười Xuân, cho biết năm 2012 khi thấy một số hộ dân ở Ayun Pa dụ yến về nuôi thành công, vợ chồng ông cũng bắt đầu tìm hiểu kỹ thuật làm chuồng trại cũng như gọi yến, sau đó mua vật liệu về dựng chuồng.
Những ngày dựng chuồng, cả gia đình ông Xuân gần như bỏ hết mọi công việc, cả mấy người con của ông vốn rất rành về kỹ thuật, công nghệ cũng xắn tay vào giúp bố mẹ.
Cha con ông vừa làm vừa lên mạng tìm thông tin, học quy trình xây chuồng, tìm mua các loại máy tạo nhiệt độ, lắp đặt hệ thống phun sương, hệ thống tạo độ ẩm, đèn tạo ánh sáng.
Tháng 9-2012, ông Xuân bắc loa đứng ở vị trí cao nhất trên tòa nhà, bật âm thanh ghi âm tiếng chim yến rồi hồi hộp ngồi đợi và ngay trong ngày đầu tiên đã thu hút những chú chim yến tìm đến “do thám” khu chuồng trại.
Chỉ 2-3 ngày sau, khu chuồng của vợ chồng ông Xuân đã có hàng trăm con chim yến bay về chọn làm nơi trú ngụ.
Trên đây là bài viết được Yến Sào Tây Nguyên tổng hợp chia sẽ lại từ báo tuoitre.vn. Hi vọng bài viết hữu ích cho đọc giã của yến sào Tây Nguyên.
THÁI BÁ DŨNG
Nguồn bài viết : https://tuoitre.vn/nuoi-yen-sao-o-tay-nguyen-740975.htm